Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng trì trệ, kém hiệu quả của VFA đã không bảo vệ được lợi ích của DN và nông dân. Ảnh minh họa.
Sáng 30.3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Liên minh nông nghiệp đã tổ chức hội thảo "Đánh giá vai trò của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất các biện pháp cải tổ Hiệp hội". Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại vai trò của VFA đối với nông dân và doanh nghiệp.Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Chủ tịch VFA đồng thời là Tổng Giám đốc DN xuất khẩu (XK) gạo sẽ tạo sự không công bằng, thậm chí "lợi ích nhóm".
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, lịch sử thành lập cho thấy, việc ra đời VFA ngay từ đầu đã không phản ánh đúng nguyên tắc căn bản là dựa trên sự tự nguyện vì mục đích hoạt động của các thành viên, mà dựa trên ý chí của một bộ phận các cơ quan quản lý Nhà nước, với kỳ vọng trở thành "cánh tay nối dài" của Chính phủ để quản lý ngành lúa gạo.
VFA là Hiệp hội thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng vị trí Chủ tịch Hiệp hội vẫn do Bộ Công thương phê chuẩn và thường do lãnh đạo Vinafood I và Vinafood II thay nhau đảm nhận. Nhiều mâu thuẫn bùng phát xuất phát từ sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo. Bộ máy quản lý đầy đủ các vị trí nhưng hoạt động kém hiệu quả và minh bạch.
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện VEPR, dù VFA có tên đầy đủ là Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhưng không những không bao phủ tới nông dân, thương nhân trung gian, mà còn không đại diện cho quảng đại cộng đồng DN đang hoạt động trong ngành gạo. Hiện nay, VFA không còn là sân chơi riêng của các DN nhà nước. Sự lớn mạnh của khối DN tư nhân và sự thay đổi căn bản về thị trường đòi hỏi VFA cần có sự thay đổi sâu rộng về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Thành, các DN lớn lại kiêm luôn chủ tịch thì việc thu thập thông tin được cho là cạnh tranh không lành mạnh. Vì các DN phải nộp thông tin về xuất nhập khẩu lúa gạo lên Hiệp hội. Do vậy, Nhà nước phải nhìn lại vai trò của VFA.
Từ những phân tích nêu trên, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, khuyến nghị trong ngắn hạn, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 109, qua đó xoá bỏ đặc quyền của VFA. Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội…
Xem thêm bảng giá gạo tấm
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong phạm vi hội thảo liên quan đến VFA, nhưng không có đại diện của Hiệp hội này tham dự và có ý kiến phản biện.
Lao Động sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.