Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, toàn ngành mía đường phải có sự chuyển đổi. Tuy nhiên điều này không dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh ngành đường Thái Lan có sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ của họ.
Ngành mía đường Thái Lan được quản lý bởi Luật Mía đường, được chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp (1,3 tỷ USD/năm), tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào.
Đặc biệt, Thái Lan còn có chính sách chia tổng lượng đường sản xuất thành 3 hạn ngạch: quota A dành cho tiêu dùng nội địa, quota B là cơ sở để tính toán hỗ trợ cho nông dân trồng mía, quota C là phần thả nổi giá.
Về hỗ trợ nông dân trồng mía, Thái Lan sớm thành lập quỹ mía đường với khoản đóng góp căn cứ trên chính sản lượng bán ra ở doanh nghiệp phân phối lẫn các nhà sản xuất đường. Cùng với đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ như giá bán điện sinh khối từ bã mía là 13 cent/kWh (trong khi tại Việt Nam là 5,8 cent/kWh), giá xăng E5 - loại xăng có pha cồn với nguồn gốc từ rỉ mật của nhà máy mía đường ở Thái Lan, thấp hơn xăng A92 1.500 đồng, còn tại Việt Nam chỉ chênh lệch khoảng 800 đồng.
Diện tích mía đường của Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam nhưng sản lượng lại gấp 8 lần, theo số liệu công bố từ nghiên cứu của TS. Lê Đăng Doanh. Giá mía nguyên liệu của Thái Lan cũng rẻ hơn 30 - 40% so với giá mía của Việt Nam. Và các doanh nghiệp đường Thái Lan tuy phá giá đường xuất khẩu nhưng vẫn đạt lợi nhuận nhờ kinh doanh đường ở thị trường nội địa.
Song, tin vui cho ngành đường Việt Nam là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được hoãn thêm 2 năm, tức phải đến năm 2020, giao thương giữa Việt Nam với các nước khác trong ASEAN mới chính thức xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu và gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Điều này giúp ngành mía đường trong nước có thêm thời gian chuẩn bị.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của chuyên gia trong ngành, ngành mía đường Việt Nam vẫn đang bị những vướng mắc cản trở sự phát triển. Đó là diện tích trồng mía manh mún, năng suất thấp, công nghệ chế biến đường lạc hậu. Vì thế, một trong những nội dung quan trọng của Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là giải thể các nhà máy sản xuất kém hiệu quả.
Theo dự báo của VSSA, đến năm 2025, có thể chỉ còn 15 nhà máy đường, từ 40 nhà máy đang hoạt động. Các công ty sẽ phải thúc đẩy sản xuất những sản phẩm sau đường như cồn ethanol, điện...
Theo GS-TS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, để giảm giá thành sản xuất mía, không còn cách nào khác là phải dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn để cơ giới hóa. Có như vậy mới giảm được chi phí giá thành còn 50% so với cách làm hiện nay.
SBT hiện là đơn vị đạt tới khả năng sản xuất với chi phí 30 USD/tấn mía, ngang bằng với Thái Lan. Nhưng mong muốn của SBT là tiếp tục hạ chi phí sản xuất mía, như ở Brazil chỉ có 16 USD/tấn, ở Úc là 18 - 20 USD/tấn.
Đối với nỗi lo như biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn và bị cạnh tranh bởi cây trồng khác, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của vùng nguyên liệu mía, ông Võ Tòng Xuân cho rằng, các nhà máy đường cần phải chủ động tổ chức vùng nguyên liệu cũng như hỗ trợ nông dân về giống mía, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chia
Các nhà máy đường cũng có thể giảm giá thành sản phẩm bằng cách tạo lập kênh phân phối riêng, đồng thời chủ động nhập khẩu giống mía, tăng chất lượng và năng suất mía, giảm giá thành đường.