Ngoài yếu tố từ giá cổ phiếu Vingroup, điều gì khiến cho tốc độ gia tăng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên bảng xếp hạng của Forbes tăng nhanh đến vậy?
Tính đến ngày 22/3, theo bảng xếp hạng real time của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) đang sở hữu khối tài sản 6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 311 trong danh sách người giàu thế giới.
Con số này so với kết quả điều tra cập nhật hàng năm của Forbes (2018 ranking) mới công bố ngày 6/3 cao hơn 1,7 tỷ USD. Còn nếu so với chỉ số Real Time thời điểm đó cũng đã tăng 0,8 tỷ USD (tương đương 15,4%) trong khoảng thời gian chưa đến hai tuần lễ.
Thứ hạng của ông Vượng trên bảng xếp hạng của Forbes
Nguyên nhân nào khiến tăng tài sản của vị tỷ phú USD này tăng chóng mặt đến vậy?
Đầu tiên cần phân biệt được hai chỉ số Real Time và Ranking của Forbes khác nhau như thế nào. Đơn cử như để xác định chỉ số 2018 Ranking, các phóng viên của Forbes sẽ phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để đưa ra kết quả.
Cụ thể, Forbes định giá tài sản của các cá nhân dựa trên cổ phiếu của họ trong các công ty Nhà nước và tư nhân, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Ngoài ra, Forbes cũng sẽ tham vấn hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, hay thậm chí là phỏng vấn cả nhân viên kế toán, cố vấn, luật sư... Của các tỷ phú để ước tính tài sản của họ.
Tóm lại để xác định giá trị tài sản của các tỷ phú qua từng năm cần rất nhiều công sức và tính thẩm định cao, do đó chỉ số này thường phản ánh chính xác nhất giá trị tài sản của họ tại thời điểm công bố.
Nhưng việc tính toán dựa trên các phương pháp tổng hợp trên để công bố định kỳ hàng năm có một nhược điểm là không tính đến biến động giá cổ phiếu hàng ngày, chính vì thế Forbes thống kê thêm chỉ số Real Time Ranking song song với chỉ số Ranking của từng năm.
Theo công bố chính thức, ông Vượng hiện sở hữu duy nhất cổ phiếu VIC trên thị trường chứng khoán, với khối lượng 723,97 triệu cổ phiếu, giá trị tài sản tương đương mà vị tỷ phú này đang nắm giữ là 78.190 tỷ đồng (3,34 tỷ USD). Con số này đang thua kém rất nhiều so với 6 tỷ USD theo Real Time cập nhật của Forbes. Vậy mức chênh lệch tới gần 2,7 tỷ USD có chăng là khối tài sản nằm ngoài thị trường chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng?
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Quan sát cổ phiếu VIC kể từ ngày Forbes công bố cập nhật mới nhất về thứ hạng người giàu trên thế giới, cổ phiếu này liên tục lập đỉnh lịch sử, thậm chí đã phá mốc quan trọng 100.000 đồng/cp và hiện tại đang dao động ở mức giá lịch sử 108.000 đồng.
Cổ phiếu này đã tăng hơn 9,6% kể từ ngày 6/3, tức thấp hơn nhiều tốc độ tăng tài sản của ông Vượng trên bảng xếp hạng Real Time của Forbes. Trong một diễn biến khác, cổ phiếu VRE của Vincom Retail lại giảm hơn 5%.
Như vậy có thể hiểu, khối tài sản nằm ngoài thị trường chứng khoán của ông Vượng, có thể coi là khối tài sản "ngầm" đang có tốc độ tăng trưởng khủng khiếp, lớn hơn 15,4% trong vòng chưa đầy hai tuần lễ. Chỉ xét riêng về tính hiệu quả, đây là con số đáng mơ ước đối với mọi tỷ phú trên thế giới.
Quay trở lại câu chuyện tăng trưởng, thống kê tài sản từng năm của ông Vượng theo Forbes cho thấy điều này không quá bất ngờ, tài sản vị Chủ tịch Vingroup tăng rất mạnh trong hai năm trở lại đây. Năm 2018 là tăng gần 80% so với năm trước đó.
Forbes cũng đồng thời công nhận hệ sinh thái Vingroup mà ông Vượng xây dựng thông qua việc xếp ông vào nhóm tỷ phú đang ngành, thay vì tỷ phú bất động sản trước kia.
Tốc độ tăng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng theo thống kê của Forbes tính đến ngày 6/3/2018
Hồi đầu năm nay, Bloomberg đã đưa tin về kế hoạch IPO công ty Vinhomes, một đơn vị quản lý các dự án bất động sản của Vingroup với giá trị 1 tỷ USD. Nhiều động thái cho thấy kế hoạch này sẽ được thực hiện trong năm 2018 này.
Với việc những khối tài sản "ngầm" đang dần dần lộ diện, người ta sẽ có thấy rõ nét hơn việc ông Vượng thực sự đang giàu có cỡ nào. Và biết đâu có thể phần nào hiểu được, vì sao tốc độ gia tăng tài sản của vị tỷ phú này lại nhanh đến vậy.