Cuộc họp sắp tới được dự báo sẽ là một trong những cuộc họp căng thẳng nhất của OPEC trong những năm gần đây...
Giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh trong ngày đầu tuần, trong bối cảnh Saudi Arabia và Nga chuẩn bị cho một cuộc đối đấu với các nước sản xuất dầu lửa đồng minh về vấn đề nâng hay không nâng sản lượng khai thác. Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng gây sức ép giảm giá lên dầu.
Theo hãng tin Bloomberg, Iran tuyên bố rằng Venezuela và Iraq sẽ cùng với nước này ngăn chặn đề xuất nâng sản lượng khai thác dầu mà Saudi Arabia và Nga khởi xướng khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nhóm họp tại Vienna, Áo, trong tuần này.
Trước đó, vào hôm thứ Sáu, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đánh thuế hàng trăm mặt hàng của Mỹ để trả đũa việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng trong số những mặt hàng Mỹ sắp bị áp thuế có dầu thô và xăng.
Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York ngày 18/6 có lúc giảm 2,3%, sau khi giảm 2,7% vào hôm thứ Sáu tuần trước, xuống dưới 63,5 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc giảm 1,4%, còn dưới 72,5 USD/thùng.
Đây là vùng giá thấp nhất của dầu thô trong vòng 6 tuần trở lại đây. Tuần trước, giá dầu WTI giảm 2,7%.
So với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 5, giá dầu thô hiện đã giảm hơn 10%, chủ yếu do Saudi Arabia và Nga tính nâng sản lượng dầu. Gần đây, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang khiến giá dầu giảm sâu hơn.
Diễn biến giá dầu thô Brent từ tháng 12/2017 - Nguồn: FT.
"Giá dầu giảm như một phản ứng tức thời trước khả năng chiến tranh thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như khả năng OPEC nâng sản lượng", chuyên gia kinh tế trưởng Takayuki Nogami thuộc Japan Oil, Gas and Metals National Corp. Của Nhật Bản nhận xét. "Nếu và Trung Quốc tiếp tục trả đũa lẫn nhau, và Saudi Arabia và Nga tiếp tục giữ tín hiệu tăng khai thác dầu, thì giá dầu sẽ còn giảm thêm".
Cuộc họp sắp tới được dự báo sẽ là một trong những cuộc họp căng thẳng nhất của OPEC trong những năm gần đây. OPEC giờ đây đang chia làm hai phe: một bên là Saudi Arabia và Nga với ý định tăng sản lượng khai thác dầu ngay từ tháng tới; một bên là Iran, Iraq và Venezuela, ba nước dọa sẽ phủ quyết đề xuất nâng sản lượng.
"Nếu Saudi Arabia và Nga muốn nâng sản lượng, thì họ cần phải có sự nhất trí của tất cả các thành viên OPEC. Nếu hai nước hành động riêng, thì điều đó sẽ vi phạm thỏa thuận hợp tác giữa OPEC với Nga", ông Hossein Kazempour Ardebili, một đại diện của Bộ Dầu lửa Iran, phát biểu.
Hôm thứ Năm tuần trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng OPEC và đồng minh, trong đó co Nga, có thể bàn nâng sản lượng tới 1,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, nguồn thạo tin nói rằng Saudi Arabia đang tính đến một số kịch bản khác nhau về tăng sản lượng từ 500.000 thùng/ngày đến nửa triệu thùng/ngày.
Cuộc họp của OPEC sẽ bắt đầu vào ngày thứ Sáu, và cho dù Saudi Arabia đã nói rằng việc khối nâng sản lượng sau cuộc họp này là tất yếu, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu OPEC có đạt được một thỏa thuận chính thức về nâng sản lượng hay không.