Giá heo hơi hôm nay 14/12 không có nhiều biến động đột biến. Giá heo ở Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng thấp nhất dao động khoảng 26.000 đồng đến 27.000 đồng một kg.
Giá heo hơi hôm nay 14/12 tại miền Bắc
Giá heo hơi hôm nay 14/12 tại các tỉnh miền Bắc khá ổn định sau nhiều ngày tăng nhẹ. Hiện tại mức giá phổ biến toàn miền dao động quanh 30.000 đồng một kg.
Theo đó, mức giá heo hơi phổ biến toàn miền dao động quanh mức 30.000 đồng/kg, với các địa phương như Sơn La, Hà Nội, Lào Cai, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam ... giá heo hơi hôm nay đang ở 30.000 đồng/kg.
Những tỉnh như Ninh Bình, Điện Biên, Quảng Ninh có mức giá cao hơn một chút, và chỉ có một số ít tỉnh, thành vẫn còn mức giá 28.000 đồng và 29.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay toàn miền dao động từ 28.000 đồng đến 33.000 đồng một kg.
Giá heo hơi hôm nay 14/12: Giá heo Miền Trung có nơi chỉ 27.000 đồng (Ảnh minh họa). |
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung và Tây Nguyên
Giá heo hơi tại khu vực miền Trung hôm nay không có biến động nhiều so với ngày hôm qua. Trong đó, mức giá heo hơi phổ biến toàn khu vực là 28.000 - 29.000 đồng/kg. Nghệ An và Quảng Ngãi là 2 địa phương ghi nhận mức giá cao hơn 30.000 đồng/kg. Thấp nhất khu vực là Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng đang dao động khoảng 26.000 đồng đến 27.000 đồng một kg.
Giá heo hơi toàn miền dao động từ 26.000 đồng đến 30.000 đồng một kg
Giá heo hơi hôm nay 14/12 tại miền Nam
Hiện tại đây là khu vực có giá heo bình quân thấp nhất cả nước, mức giá phổ biến nhất là 27.000 - 28.000 đồng một kg. Nhiều địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng giá heo hơi hôm nay đang ở mức khá thấp 26.000 - 26.500 đồng/kg. Giá heo hơi toàn miền dao động từ 26.000 đồng đến 30.000 đồng.
Chưa đủ cơ sở nhận định toàn bộ thịt ở 5 tỉnh phía Nam nhiễm E.coli
Theo TTXVN: bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 150 mẫu thực phẩm lấy tại 5 tỉnh, thành phố là chưa đủ đại diện để có thể nhận định toàn bộ thực phẩm tươi sống của 5 địa phương này đều nhiễm E.coli và không an toàn. Tuy nhiên, điều này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm và các nhà quản lý cần xem xét lại vấn đề nằm ở khâu nào để lên kế hoạch kiểm soát.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli chủ yếu do khâu giết mổ gia súc, gia cầm, lưu thông và phân phối chưa an toàn. Do đó, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần chấn chỉnh khâu giết mổ gia súc, gia cầm, lưu thông và phân phối thực phẩm tươi sống; bỏ hoàn toàn các lò mổ thủ công, xóa chợ tạm; xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm.
Trước đó Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày 12/12: 150 mẫu thịt gồm thịt lợn, gà, vịt được lấy ở 5 địa phương là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đều nhiễm khuẩn E.coli (một loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy). Tuy nhiên, các mẫu này được lấy tại các điểm bán có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng, từ tháng 4 đến tháng 8/2017, một nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur đã lấy 150 mẫu thịt lợn, gà, vịt từ các chợ trên địa bàn 5 tỉnh, thành nói trên để khảo sát mức độ nhiễm khuẩn E.coli. Kết quả cho thấy, cả 150 mẫu thịt này đều có số lượng vi khuẩn E.coli vượt quá giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng lấy mẫu các sản phẩm thủy sản tươi sống như sò, chem chép, hàu, nghêu và kết quả có 63,9% mẫu (94/147 mẫu) được phát hiện nhiễm vi khuẩn E.coli, trong đó có 24 mẫu nhiễm khuẩn E.coli ở mức độ nặng.
Nguyên nhân các mẫu thịt nhiễm khuẩn E.coli chủ yếu do điều kiện vệ sinh kém từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm đến các nơi bày bán, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, nguồn nước, dụng cụ và quy trình giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh cũng là nguyên nhân khiến thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli và các loại vi sinh có hại khác. Điều này hoàn toàn phù hợp khi các mẫu thực phẩm khảo sát được lấy từ các điểm bán không đảm bảo điều kiện an toàn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo, người dân cần mua thực phẩm ở các kênh phân phối hiện đại như siêu thị và các cơ sở thực phẩm có uy tín; đồng thời, cần luôn thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi nhằm tránh các nguy cơ nhiễm bệnh từ thực phẩm không an toàn.
Giá heo hơi khó có thể về lại 45.000 – 50.000 đồng/kg
Tại hội thảo "Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị" vừa qua, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nhận định giá heo hơi trong thời hội nhập vẫn duy trì ở mức 40.000 đồng/kg thì không thể cạnh tranh được. "Trong thời kỳ hội nhập thế giới, chúng ta mong giá heo hơi quay về 45.000 - 50.000 đồng/kg như ngày xưa thì đấy chỉ là mơ ước", báo Người lao động dẫn lời ông Dương cho biết.
Hiện nay, giá heo hơi nước ta vẫn đang ở mức rất thấp, đến sáng nay chỉ vài tỉnh có giá heo trên 30.000 đồng/kg, như Điện Biên, Ninh Bình,… Các tỉnh còn lại, giá heo hơi vẫn duy trì dưới ngưỡng 30.000 đồng/kg, thậm chí tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai cũng chỉ còn 26.000 đồng/kg. Giá heo hơi miền Bắc hôm nay vẫn cao nhất cả nước.
Ông Dương cho rằng, nếu không nhanh tổ chức xây dựng các chuỗi liên kết thì Việt Nam sẽ lặp lại tình trạng giải cứu liên tục, hôm nay có thể giải cứu heo, mai có thể là gà, bò.
Nhận xét về khả năng xuất khẩu thịt heo của Việt Nam, ông Vinod Ahuja, Chuyên gia chính sách của FAO khu vực châu Á -Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam đang ở ngã ba đường, muốn xuất khẩu chăn nuôi thì vấn đề bền vững rất quan trọng.
Triển khai thành công dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu"
Mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh hướng tới xuất khẩu là một dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt, triển khai từ năm 2016 đến 2018, trên địa bàn 7 tỉnh trong cả nước, gồm: Thái Bình, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thái Bình cùng với Nam Định là hai tỉnh của vùng Đồng bằng sông Hồng đã được chọn tham gia dự án. Theo ghi nhận của TTXVN về kết quả thực hiện dự án tại Thái Bình, đã có 10 trang trại chăn nuôi heo được công nhận an toàn dịch bệnh sau hai năm. Tỉnh Thái Bình dự kiến đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 63 trang trại chăn nuôi heo được công nhận là an toàn dịch bệnh.