Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Tác giả đề xuất bỏ 'Chí Phèo' khỏi SGK lên tiếng về 'Tiếq Việt' của PGS Bùi Hiền

Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Sóng Hiền đã có những chia sẻ xung quanh toàn văn đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền vốn gây xôn xao dư luận thời gian qua.


Mới đây, PGS.TS Bùi Hiền - Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đã vừa công bố phần còn lại của công trình nghiên cứu mang tên "Đề xuất một phương án cải tiến chữ quốc ngữ". Trong đó, có cải tiến "Tiếng Việt thành Tiếg Việt" vốn gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.



Quý độc giả có thể xem toàn văn bản đề xuất đầy đủ cả phân phụ âm và nguyên âm bằng cách bấm vào Tại đây.

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền – Nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia). Ảnh: NVCC.


Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã nhận được chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền – Nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia). Ông cho rằng, để đánh giá và góp ý với công trình của PGS Bùi Hiền nên dành cho các nhà chuyên môn và các học giả trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Ở góc độ cá nhân như một độc giả, ông Sóng Hiền có một số ý kiến chia sẻ như sau:

“Thứ nhất, như một người làm công tác nghiên cứu khoa học mình hết sức khâm phục và ngượng mộ thầy vì ở tuổi 80 cái tuổi người ta gọi là “gần đất xa trời ấy” mà thấy vẫn còn đầy tâm huyết và đam mê theo đuổi nghiên cứu khoa học mà theo đuổi với một công trình đã tới 20 năm. Xét về khía cạnh nhiệt huyết khoa học như thầy quả củng hiếm có mấy ai, nếu không nói là một tấn gương cho lớp trẻ học hỏi.

Thứ hai, về giá trị công trình này, thực tế cho thấy dân tộc Việt đã trãi qua hơn 4000 ngàn năm dựng và giữ nước. Mà trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng ấy chúng ta củng đã có những năm tháng thăm trầm của dân tộc với hơn một ngàn năm bị Hán hoá, 100 năm đô hộ của thực dân rồi gần 20 năm bị đế quốc xâm lược nhưng những giá trị văn hoá Việt không có gì có thể phá hủy nó, ngược lại nó càng ngày càng được tôi luyện để trở thành những thứ cốt tủy tinh hoa của dân tộc Việt.

Vậy yếu tố nào đã gìn giữ và hun đúc lên những giá trị văn hoá tốt đẹp đó của dân tộc nếu không phải là nhờ ngôn ngữ và tiếng nói của dân mình. Tính tự tôn, tinh thần tự cường, ý chí và khát khao độc lập dân tộc là những phẩm chất bất diệt của dân tộc Việt Nam. Cho dù có bị 1.000 năm Hán hoá, 100 năm đô hộ, 20 năm đế quốc xâm lược với những âm mưu đồng hoá, khai hoá văn minh nhằm hủy hoại văn hoá Việt thông qua truyền bá văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết của những kẻ xâm lược nhưng tất cả âm mưu đó đều bị thất bại.

Ngay cả bây giờ, chữ viết và ngôn ngữ của chúng ta dù không phải do dân tộc mình sáng tạo nhưng những giá trị văn hoá thuần Việt không vì thế mà bị phá hủy. Nhưng ở trong sâu thẳm chúng ta, với ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần cốt tuý tinh hoa được nuôi dưỡng hàng nghìn năm ấy cũng có chút nào đó chạnh lòng. Dù rằng phải thừa nhận ngôn ngữ và chữ viết của mình hiện nay đã tương đối ổn định, đã được chấp nhận và đón nhận hơn 200 năm nay, nhưng không có giá trị nào là bất biến.

Thế giới vận động và biến đổi không ngừng thì không có lý do gì các quốc gia đứng ngoài sự vận động và biến đổi ấy, huống gì là chữ viết cái mà chính Bộ GD&ĐT cũng không ít lần mong muốn cải cách.

Vì vậy, với công trình nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền nên chăng hãy đặt nó ở vị trí như là người Việt đầu tiên tiên phong nghiên cứu chữ viết của Việt Nam một cách có hệ thống. Cho dù về mặt thực tiễn còn nhiều điều cần phải bàn nhưng về mặt ý nghĩa, chúng ta cũng nên dành cho công trình này một chỗ đứng trong quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ và chữ viết tiếng Việt.

Có thể về tính tổng thể của công trình còn nhiều bất cập và chưa thể ứng dụng vào thực tiễn, nhưng ở góc độ nào đó đây cũng là một tài liệu khoa học đáng được trân trọng, có giá trị tham khảo để sửa đổi và bổ sung thêm cho hệ thống chữ viết của chúng ta phù hợp với thực tiễn hơn, hoàn thiện hơn".