Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các cơ quan hữu quan phản ánh những mặt còn yếu kém trong quản lý thị trường tài chính, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng bán chui cổ phiếu để trục lợi nhà đầu tư.
Theo đánh giá của VAFI, trong những năm gần đây, đi cùng sự phát triển TTCK, tình trạng bán chui cổ phiếu, bán cổ phiếu không công bố thông tin của thành viên HĐQT, Ban điều hành, cổ đông lớn… ngày càng phát triển tới mức công khai trắng trợn đe dọa sự ổn định của thị trường chứng khoán.
Thực tế có một số trường hợp bán chui cổ phiếu xảy ra ở những người liên quan đến người nội bộ với số lượng cổ phiếu nhỏ. Nhưng trong nhiều trường hợp, bán chui cổ phiếu diễn ra với những người am hiểu pháp luật, bán chui với số lượng lớn với giá trị hàng trăm tỷ đồng, với hàng ngàn lệnh để trục lợi trên lưng hàng trăm hàng ngàn nhà đầu tư.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch VAFI, ông Nguyễn Hoàng Hải, hành vi cố tình bán chui cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp như trên là lừa đảo nhà đầu tư. Nhiều trường hợp còn tìm mọi cách che giấu hành vi bán lén.
"Hành vi bán chui cổ phiếu phải bị lên án và ngăn chặn. Cùng đó, cần phải xem xét trách nhiệm của thanh tra giám sát thị trường tại sở giao dịch chứng khoán trong các giao dịch bán chui", ông Hải cho hay.
Theo Phó Chủ tịch VAFI, 2 trường hợp bán chui lượng lớn cổ phiếu tại sàn HSX phải nhắc đến thời gian qua là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt Công ty CP Xây dựng FLC Faros về việc bán chui 13.649.470 cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD từ ngày 20/10/2017 đến ngày 24/10/2017.
FLC Faros đã bán chui 21,04%/vốn điều lệ của AMD, tức bán gần hết tỷ lệ sở hữu cổ phần tại AMD (chỉ còn 3,34%/vốn điều lệ AMD). Trường hợp khác là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt ông Trịnh Văn Quyết đã bán chui 57 triệu cổ phần của FLC (tương đương 9% vốn điều lệ FLC) được thực hiện từ ngày 20/10 cho đến ngày 24/10/2017.
Ông Hải cho rằng, cần làm rõ tình trạng bán chui cổ phiếu diễn ra trong nhiều năm nhưng vì sao sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng bán chui cổ phiếu.
Đại diện VAFI cho rằng, để chấm dứt tình trạng bán chui cổ phiếu cần áp dụng biện pháp mạnh tay. Cụ thể, với tất cả đối tượng phải công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch thì phải tạm khóa và không cho giao dịch. Như vậy sẽ không còn xảy ra trường hợp bán chui mua chui cổ phiếu.