Khác hẳn với vẻ sang trọng, chỉn chu khi xuất hiện trên sóng truyền hình với vai trò một doanh nhân, Shark Linh trong buổi trò chuyện với Zing.vn mang đôi dép kẹp giản dị mà chị bảo để đi lại cho tiện và chị vốn không quen mang giày cao gót.
Doanh nhân Thái Vân Linh thú nhận chị luôn "giấu" sẵn đôi giày cao gót phía dưới ghế ngồi, để khi cần. Còn đôi dép kẹp là vật bất ly thân của chị. "Thường mọi người sẽ gặp một Thái Vân Linh với quần jean áo thun, dép kẹp hết sức đơn giản khi tôi không đi làm, không phải xuất hiện ở những nơi cần trang phục trang trọng, đó là phong cách của Linh", chị nói.
- Bây giờ nhiều người quên mất chị là doanh nhân Thái Vân Linh mà "đóng đinh" với Shark Linh, cảm giác của chị thế nào về danh xưng này?
-Tôi thấy mọi chuyện bình thường, bởi "cấu trúc" của Shark Linh cũng không khác gì Thái Vân Linh, vẫn là doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính và ưu tiên khởi nghiệp. Chỉ là cái tên thôi mà (cười). Nhưng nói thật được gọi Shark Linh đôi lúc tôi cũng thấy hài hước. Tôi không nghĩ mình đáng sợ như cá mập, nhưng trong môi trường tài chính hay khởi nghiệp, người ta sợ mình thì cũng không sao, vì tự nhiên cảm thấy tự tin hơn chút (cười).
- Cơ duyên nào khiến chị hào hứng tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ, và trở thành "cá mập" quyền lực của cả 2 mùa liên tiếp?
- Tôi rất mê phiên bản Mỹ của chương trình này. Những thảo luận về khởi nghiệp chi tiết và thực tế từ chương trình khiến mình có thể học được nhiều điều hay. Khi thấy chương trình manh nha ở Việt Nam thì tôi đã bị kích thích rồi. Cái duyên của tôi là ông xã có làm việc chung với công ty sản xuất chương trình, khi thấy họ trao đổi cần một "cá mập" là nữ thì chồng tôi đã giới thiệu tôi.
Trong một ngày tiếp xúc, cả tôi và ban tổ chức đều cảm thấy phù hợp. Có thể nói, việc đến với chương trình cũng có nhiều phần tôi chủ động.
- Chương trình thì quá ngắn để các startup trình bày dự án, chừng ấy thời gian cũng khó cho các Shark quyết định xuống tiền, có bao giờ chị quyết định sai không? Thường chị dựa vào yếu tố nào để đầu tư: Con người hay sự hấp dẫn của lĩnh vực gọi vốn?
- Tôi quan tâm đến con người, không chỉ cá tính mà khả năng thực thi công việc của cá nhân họ.
Nói cho dễ hiểu nghĩa là khi tôi hỏi về vấn đề gì họ có hiểu chi tiết hay không, trả lời có sâu không? Từ chương trình đến thực tế, sẽ có sự khác biệt, và đó là điều mình phải lường trước.
Còn quyết định vội hay sai thì tôi thấy nó còn là cái duyên nữa. Tôi cũng khó cắt nghĩa việc mình quyết định vội hay không? Khi tôi gật đầu, theo ý nghĩ chủ quan của tôi thì startup đã chứng minh được đó là dự án tiềm năng. Có thể như thế là tôi hơi khác biệt.
- Theo đuổi khởi nghiệp rất sớm, chị đánh giá thế nào về phong trào khởi nghiệp khá rầm rộ ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng giới trẻ Việt đang khởi nghiệp theo phong trào, thiếu sự chuẩn bị vốn, kiến thức, kinh nghiệm, nên dễ thất bại, chị thấy nhận định này đúng không?
-Thật khó để đưa ra một nhận định, như thế có thể là đánh đồng tất cả, có thể sẽ mang đến nhiều tác động tiêu cực cho phong trào khởi nghiệp, bởi mỗi nhà khởi nghiệp đều mang một cá tính riêng, dù trong phong trào này cũng có người khởi nghiệp vì thấy có vẻ "hot" và nhiều người làm thì họ làm theo.
Tôi cũng nói rõ là trên thế giới, tình trạng này rất nhiều, không nên gán cho Việt Nam.
Với tôi, khởi nghiệp thực sự tốt đẹp. Những người khởi nghiệp đúng nghĩa sẽ hiểu được hành trình họ đi và xác định được khó khăn, thách thức. Đầu tiên, bạn phải thấy hành trình mình đi là rất dài, nếu tính trung bình thì khoảng 10 năm, và trong thời gian này, chúng ta sẵn sàng tâm thế rỗng túi, phải vất vả mọi lúc mọi nơi.
Bạn đừng nhìn vào cái đích ngắn hạn, như kiểu viết một ứng dụng rồi sang năm trở thành tỷ phú. Một startup có thể có nhiều năm trắng cả doanh thu và lợi nhuận, nhưng chỉ cần 4-5 năm sau lại có mức tăng trưởng gấp trăm lần.
-Vậy lời khuyên của chị cho những người trẻ đang có ý định khởi nghiệp như thế nào?
- Tôi muốn các bạn phải suy nghĩ thật sâu, rằng các bạn rất muốn khởi nghiệp hay muốn làm giàu? Khởi nghiệp là một con đường rất khổ và cô đơn, vì bạn bè xung quanh khó để hiểu được bạn, bắt kịp ý tưởng của bạn. Bạn đã sẵn sàng rỗng túi để theo đuổi một giá trị lớn khác trong tương lai hay chưa? Theo con đường này thì sẽ luôn luôn nghèo, vì tỷ lệ thành công với startup rất thấp.
Bạn cũng phải nhìn nhận, rằng khởi nghiệp là con đường bạn tự chọn hay bị ép buộc, tức không còn cách nào khác buộc bạn phải startup. Nếu bị buộc thì nên đi học thêm và đi làm ở vài tổ chức khác, tích lũy kinh nghiệp qua nhiều vị trí khác nhau, vừa kiếm tiền. Đi làm cho các tổ chức để mình hiểu cách vận hành doanh nghiệp thì tỷ lệ gọi vốn thành công sẽ cao hơn, điều hành doanh nghiệp tốt hơn.
Một nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy những công ty thành công nhất có nhà sáng lập từ 35 tuổi trở lên, nên đừng lo muộn, mà cần trải nghiệm thực tế.
- Chị nói khởi nghiệp rất cô đơn, và nghèo. Chị cũng từng khởi nghiệp, vậy chị gặm nhấm nỗi cô đơn của mình ra sao?
- Tất nhiên tôi rất nhớ sự cô đơn đó, mặc dù tôi khởi nghiệp khá muộn và cũng có chút vốn rồi.
Ở giai đoạn đầu, khi một mình một văn phòng, đó là sự đấu tranh ghê gớm của tôi giữa động lực làm việc trước mắt và làm sao để đi lâu dài. Bạn thử nghĩ xem, hôm nay tôi mệt quá, tôi muốn về để làm vài việc cá nhân, và nghỉ ngơi. Nhưng rồi chỉ việc nuông chiều bản thân cũng không dám làm, vì rất nhiều việc đang đợi. Tôi lại lo nếu không nỗ lực thì những kế hoạch của mình sẽ khó thực hiện.
Tôi đã có một thời gian dài phải một mình, cô đơn và giằng xé giữa các ý nghĩ. Điều đó tác động ghê gớm đến tâm lý, dù mình không phải trẻ, thiếu kinh nghiệm.
Qua giai đoạn tự giằng xé đó rồi nhưng tôi luôn phải gặm nhấm sự cô đơn. Cũng may tôi có ông xã chịu lắng nghe. Nhiều lúc tôi không thể chịu đựng và "tuôn" một tràng dài với anh ấy. Chồng không nói gì chỉ dang tay ôm vỗ về.
Tôi cũng qua 2 lần thất bại mới tạm ổn với kế hoạch của hôm nay, chứ không phải bắt tay làm là thành công.